Có thể bạn chưa biết, các cây cảnh thường xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta cũng có thể gặp trường hợp bị sốc. Khái niệm cây bị sốc có lẽ còn khá xa lạ với nhiều người. Trong bài viết này, Thegioicaycanh.online sẽ giới thiệu cho bạn những kiến thức xung quanh hiện tượng này và cách khắc phục để cây có thể luôn giữ được vẻ xanh tươi.
Thế nào là hiện tượng cây bị sốc?
Hiện tượng cây bị sốc xảy ra khi cây cối phải đối diện với những thay đổi đột ngột hoặc khắc nghiệt từ môi trường. Cây bị sốc khi chưa kịp thích nghi với những điều kiện mới và dẫn đến một loạt các rối loạn về sinh lý, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển của cây.
Triệu chứng của cây bị sốc
Triệu chứng cây bị sốc có biểu hiện đa dạng, thể hiện ở nhiều bộ phận khác nhau của cây.
- Lá: Lá có hiện tượng bị vàng một cách nhanh chóng, kèm theo đó là hiện tượng rụng lá sớm hơn bình thường, hoặc rụt lá đột ngột trong thời gian ngắn. Ngoài ra, lá cũng dễ bị cháy hơn, có hiện tượng bị cháy xém, khô giòn hoặc chuyển sang màu nâu ở mép lá.
- Thân, cành: Thân và cành cây có thể xảy ra hiện tượng còi cọc, yếu ớt và dễ gãy hoặc mọc cong vẹo, không theo hình dạng tự nhiên do. Ngoài ra, hiện tượng này còn thể hiện ở việc vỏ cây có thể bị nứt nẻ, thậm chí là chảy nhựa.
- Rễ: Rễ cây có biểu hiện thối, teo tóp không phát triển hoặc bị cháy.
- Trái: Vỏ trái có thể bị sần sùi hoặc có các vết đốm loang lổ, trái rụng non khi chưa đủ độ chín hoặc có hiện tượng xuất hiện các vết nứt trên trái.
Ngoài ra còn có một số hiện tượng có thể xảy ra như cây phát triển chậm, còi cọc hay khó ra hoa, kết trái. Bên cạnh đó, nếu cây đột nhiên bị sâu bệnh tấn công nhiều hơn thì cũng có thể cây đã bị sốc do nguyên nhân nào đó làm giảm sức đề kháng của cây.
Nguyên nhân khiến cây bị sốc
Nguyên nhân thời tiết
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến hiện tượng cây bị sốc là sự thay đổi đột ngột và khắc nghiệt của thời tiết. Với những thay đổi bất thường về nắng mưa hay nóng lạnh, cây trồng không kịp thích ứng dẫn đến mất cân bằng. Khi này, cây sẽ xuất hiện tình trạng hút nước yếu, khả năng hấp thụ dinh dưỡng kém và dần dần héo úa. Một khi cây trở nên yếu và suy giảm các khả năng cơ bản, việc tưới nước hay bón phân cho cây cũng không còn tác dụng quá lớn như trước đây nữa.
Đặc biệt, vào các thời điểm có thời tiết cực đoan như giữa mùa hè hoặc mùa đông, khi thời tiết nóng hoặc lạnh cực điểm cũng có thể gây ra hiện tượng cây bị sốc.
Nguyên nhân sâu bệnh
Sâu bệnh không chỉ gây hại trực tiếp đến cây trồng bằng cách ăn lá, thân, rễ, quả mà còn có nhiều tác động khác gây ảnh hưởng xấu đến cây. Sâu bệnh làm tổn thương đến bộ phận quang hợp của cây, làm giảm diện tích quang hợp, khiến cây không thể tổng hợp được đủ chất dinh dưỡng để nuôi sống bản thân. Trong quá trình này, sâu bệnh còn sử dụng các chất dinh dưỡng từ cây để phát triển, khiến cây cũng rơi vào tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng.
Ngoài ra, một số loài sâu bệnh có hại còn tiết ra các độc tố khi tấn công cây. Các độc tố này sẽ gây rối loạn các hoạt động sinh lý của cây.
Nguyên nhân từ các chất hóa học
Bón phân là điều cần thiết với cây trồng, thế nhưng bón phân quá liều, không đúng thời điểm lại gây ra nhiều tác hại cho cây, một trong số đó là khiến cây bị sốc.
Việc bón phân chưa đúng cách có thể dẫn đến tình trạng thừa một số nguyên tố dinh dưỡng và cây mất cân bằng dinh dưỡng trong cây. Đặc biệt, điều này có hại cho bộ rễ – bộ phận hấp thụ dinh dưỡng chính của cây. Bón phân quá độ có thể làm tăng độ mặn của đất, ảnh hưởng đến khả năng hút nước và dinh dưỡng của bộ rễ hoặc làm tiêu diệt các vi sinh vật có lợi trong đất, ảnh hưởng đến hệ sinh thái đất.
Ngoài ra, việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ quá liều hoặc quá độc cũng có thể gây hại cho cây, khiến cây mau chóng bị héo úa. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, điều này còn dẫn đến việc chết cây.
Nguyên nhân dinh dưỡng
Một nguyên nhân khác dẫn đến hiện tượng cây bị sốc là do dinh dưỡng chưa cân bằng. Việc thừa dinh dưỡng hoặc thiếu dinh dưỡng quá mức cũng có thể khiến cây bị sốc. Bón phân quá liều và không đúng thời gian cũng sẽ khiến cho cây không kịp hấp thụ hết lượng dinh dưỡng, từ đây sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc. Chất độc trong phân bón sẽ tích tụ trong cây, gây rối loạn các hoạt động sinh lý của cây, dẫn đến cây bị sốc. Còn nếu không bón phân cho cây trong thời gian dài sẽ khiến cây thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng, cây bị suy kiệt và không thể hồi phục, dẫn đến chết cây.
Cách khắc phục hiện tượng cây bị sốc
Xác định nguyên nhân
Đây là bước quan trọng nhất để có biện pháp khắc phục phù hợp. Khi xác định được nguyên nhân mới có thể đưa ra được các giải pháp phù hợp và hiệu quả nhất, làm giúp cây tìm lại được vẻ tươi tốt.
Biện pháp khắc phục theo từng nguyên nhân
- Nguyên nhân thời tiết: Nếu cây gặp phải thời tiết cực đoan như trời quá nóng hoặc quá lạnh đột ngột, vậy nên đảm bảo được việc giữ ấm hoặc làm mát cho cây. Có thể khắc phục bằng cách chuyển cây vào nhà hoặc các khu vực có nhiệt độ cân bằng nhất, tránh để gây bị xót hoặc bị lạnh. Ngoài ra, nếu gặp mưa hoặc nắng nóng kéo dài, có thể dựng màn che chắn cho cây để khắc phục được tình trạng cây bị sốc.
- Nguyên nhân sâu bệnh: Áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, an toàn. Nên ưu tiên sử dụng các biện pháp phòng trừ sinh học thay vì thuốc bảo vệ thực vật vì rất có thể có nhiều tác dụng phụ và các chất độc hại gây nguy hiểm đến cây. Tốt nhất là nên ưu tiên việc phòng sâu bệnh để tránh phải diệt về sau, làm giảm khả năng cây bị sốc.
- Nguyên nhân từ các chất hóa học: Có thể sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ nhưng cần tuân thủ theo hướng dẫn và thời gian cách ly an toàn. Đồng thời, khi bón phân cho cây cần lưu ý đến lượng phân bón tưới cho cây cũng như thời gian phát triển của cây để có được lượng phân bón phù hợp nhất. Ngoài ra, nên đặc biệt lưu ý đến loài cây bạn trồng bởi vì mỗi cây lại có một nhu cầu khác nhau.
- Nguyên nhân dinh dưỡng: Để tránh cho cây bị thiếu hụt hoặc thừa dinh dưỡng, nên bón phân cho cây đầy đủ, cân đối các nguyên tố dinh dưỡng. Ưu tiên sử dụng các phân bón hữu cơ hoặc phân bón sinh học để hạn chế tác hại đến môi trường. Nếu trong trường hợp cây bị dư thừa dinh dưỡng, cần gia tăng lượng nước tưới để rửa trôi lượng dinh dưỡng thừa ra khỏi đất.
Theo dõi tình trạng của cây
Sau khi áp dụng các biện pháp khắc phục hiện tượng cây bị sốc, bạn cần theo dõi tình trạng của cây thường xuyên để điều chỉnh biện pháp chăm sóc phù hợp. Trong trường hợp cây có dấu hiệu hồi phục, không còn héo úa hay gầy yếu, có thể tiếp tục duy trì các biện pháp chăm sóc hiện tại. Còn nếu cây không có dấu hiệu cải thiện hoặc có dấu hiệu xấu đi, cần tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia nông nghiệp. Nếu không kịp thời phát hiện và chữa trị, các cây bị sốc rất có khả năng sẽ dẫn đến chết cây.
Kết luận
Hiện tượng bị sốc hay stress là hiện tượng gây nguy hiểm cho cây, thế nhưng vẫn còn nhiều người chưa biết hoặc chưa hiểu rõ hiện tượng này. Qua bài viết này, Thegioicaycanh.online đã cung cấp cho bạn thông tin về hiện tượng cây bị sốc cũng như nguyên nhân và cách khắc phục mà bạn có thể áp dụng để tránh khiến cây gặp hiện tượng này, giúp cây luôn giữ được vẻ xanh tươi, tươi tốt.